Lão Tử Đạo Đức Kinh – Cuốn sách sâu sắc bậc nhất (Phần 1)

Review Lão Tử Đạo Đức Kinh

Lão Tử Đạo Đức Kinh – Cuốn sách sâu sắc bậc nhất (Phần 1)

1. Điều gì dẫn tôi đến Lão Tử, Đạo Đức Kinh

Lần đầu tiên nghe về Lão Tử là khi tôi đọc tiểu thuyết lịch sử, có một đoạn hội thoại nhắc 2 câu trong Đạo Đức Kinh:

Tương dục nhược chi, tất cố cường chi

Tương dục phế chi, tất cố hưng chi.

Muốn làm cho yếu, hãy giúp mạnh lên

Muốn phế bỏ, hãy đưa lên vị trí cao.

Tôi thực sự bất ngờ trước câu này, vì nó quá thâm viễn, và tôi chợt nhận ra có rất nhiều mưu kế trong 36 Kế có nguyên lý tương tự 2 câu trên. Lúc đó đầu tôi đặt ra câu hỏi “Lão Tử là ai, tại sao ông ta có thể viết ra những thứ như thế?”. Ngay hôm đó tôi đã tìm đọc một cuốn Đạo Đức Kinh do Nguyễn Hiến Lê chú giải, mọi thứ nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi, tôi vô cùng phấn khích với những nội dung trong sách. Sách khá là mỏng, mất 2 ngày để tôi đọc xong, khi gấp sách lại tôi thầm nghĩ “Đáng ra tôi nên tìm thấy cuốn sách này sớm hơn” – năm đó khi tôi 22 tuổi. 

2. Tôi Nhận Được Những Giá Trị Gì Từ Đạo Đức Kinh

Nhận Ra Mình Không Hề Mạnh

Thời điểm mới ra trường, trong tôi tràn ngập sự hứng khởi, về một hành trình mới, về những mộng tưởng tươi đẹp vẽ ra trong đầu. Tôi xem rất nhiều những người thành công chia sẻ về cuộc đời họ, rồi các chủ doanh nghiệp chia sẻ về cách làm việc, cách sống. Sau đó dễ tôi lập ra một bản kế hoạch “kinh điển”, với một ngày diễn ra như thế nào: “đọc sách”, “đi bộ buổi sáng”, sau đó đến công ty với niềm “hứng khởi”, trong đầu đầy ắp những “ý tưởng tuyệt vời”. Cả ngày làm việc quần quật với một tư tưởng, chiến đấu hết mình để nhận lại sự thành công. Đến tối về nhà thì nấu cơm, giặt quần áo, rồi muôn vàn những lịch trình “học tập”, phát triển bản thân một cách điên cuồng. Tất cả đã sụp đổ hết, tôi không thể duy trì việc đó quá lâu đơn giản vì tôi không có “sức”. Tôi nhận ra bản thân mình không hề có khả năng vô hạn, sức mạnh vô biên, hay trí tuệ siêu việt. Nên tôi không thể duy trì được một lịch trình “kinh điển” của những người “thành công” ấy.

Tưởng tượng như thế này, một ngày cơ thể bạn cung cấp cho bạn 100 sức mạnh thể chất + 100 sức mạnh tinh thần, tôi tạm cho rằng tổng là 100 sức mạnh. Ví dụ, bạn dành cho công việc là 70 sức mạnh, thì ngày đó bạn chỉ còn 30 sức mạnh mà thôi. Rồi với 30 sức mạnh đó bạn chia đều cho: Học tập, việc nhà, tình yêu, các mối quan hệ khác, vui chơi giải trí… Bạn nhận ra điều gì rồi phải không? Đúng vậy, với chút sức lực còn lại để sử dụng, những việc kia chán ngắt, thậm chí còn phản tác dụng. Vì chất lượng bạn dành cho nó là quá ít. Đó là nguyên nhân, hồi trẻ là thời điểm ta dễ dàng chia tay nhất, đúng vì đơn giản ta có quá nhiều việc phải làm, tình yêu chỉ là thứ yếu.

Đạo Đức Kinh không giúp tôi nhận ra, mà Đạo Đức Kinh giúp tôi hiểu và củng cố điều đó.

Chương 23 có đoạn:

Phiêu phong bất chung triêu,

Sậu vũ bất chung nhật.

Thục vi thử giả?

Thiên Địa

Thiên Địa thượng bất năng cửu

Nhi huống ư nhơn hồ!

Gió lốc không suốt một buổi,

Mưa rào không suốt một ngày.

Ai làm nên mưa gió ấy?

Trời Đất.

Việc Trời Đất còn không thể lâu,

Huống chi là việc của người.

Đúng vậy, nếu để ý kỹ, kể cả người hay vật, hay tự nhiên đều không duy trì một trạng thái nào đó quá lâu, mà thay vào đó là sự xen kẽ các việc, các hiện tượng, có thể lặp lại tuần hoàn. 

Thêm câu chuyện gắn liền với tuổi thơ rất nhiều người đó là Gót chân Achilles, chàng Achilles được biết đến có sức mạnh vô địch, thân thể kim cang bất hoại, tưởng chừng không ai có thể đánh bại. Nhưng rồi tình cờ một mũi tên bắn trúng vào gót chân, đúng cái nơi ngày xưa không được nhúng dưới sông Styx, Achilles đã chết. Một câu chuyện nghe thì rất khó tin, nhưng nó ẩn chứa bài học sâu xa của người xưa. Đó là chẳng ai trên đời hoàn hảo, chẳng ai trên đời là mạnh tuyệt đối, luôn có kẽ hở, luôn có điểm yếu, nếu không có sự thận trọng và tiết chế, thì hoàn toàn có thể thảm bại.

Kiểm Soát Ham Muốn, Căng Thẳng Và Tìm Kiếm Sự Bình Yên

Sự ham muốn luôn gắn liền với mỗi chúng ta, đặc biệt là tuổi trẻ, chúng ta mong muốn sở hữu rất nhiều thứ: Tiền bạc, danh vọng, tình yêu…Những ham muốn này đều là những ham muốn tự nhiên, không phải điều gì xấu xa cả. Tuy nhiên quá ám ảnh, về để những ham muốn dẫn đường sẽ khiến cuộc sống của bạn mệt mỏi, tồi tệ hơn là bất hạnh.

Chương 13:

Sủng nhục nhược kinh

Quý đại hoạn nhược thân,

Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vi ngô hữu thân.

Vinh nhục làm lòng rối loạn

Thưởng phạt làm hại đến thân

Chính vì ta có cái thân xác này, nên ta phải lo sợ.

Đúng vậy, bản thân ta luôn luôn phải cố gắng đáp ứng những nhu cầu của thân thể. Lạnh thì cần ấm, nóng thì mong mát, rồi cơm no, áo đủ. Nhưng đó mới chỉ là những nhu cầu thiết yếu, rồi ta phải đáp ứng những dục vọng trong lòng. Không thì nó sẽ gào thét, không để ta được yên. Rồi thì ta sợ bị đau, sợ bị thương, sợ bị hình phạt, nên ta phải luôn nghĩ cách bảo toàn nó. Chẳng những sợ đau, ta còn sợ bị nhục, sợ bị người khác chê cười, sợ người khác xa lánh.Ta – Thân Ta – Tinh Thần Ta luôn gắn chặt với nhau, nếu không thể hài hòa chúng, thì cuối cùng chính ta sẽ chịu đau khổ.

Rồi đến chương 44:

Thậm ái tất đại phí;

Đa tàng tất hậu vong.

Tri túc bất nhục,

Tri chỉ bất đãi,

Khả dĩ trường cửu.

Thương nhiều ắt tổn nhiều,

Tích trữ nhiều ắt mất nhiều.

Biết đủ, không nhục.

Biết dừng, không nguy.

Và có thể lâu dài.

“Tri túc bất nhục” chính là bài học quý giá mà người xưa để lại cho chúng ta. Có biết bao người, vì lòng tham vô đáy, vì sự cố chấp của bản thân, để rồi phải chịu tai họa, vạn kiếp bất phục.

Ngoài lòng ham muốn bất tận, không biết “tri túc” ra, chúng ta còn luôn muốn mọi việc phải xảy ra theo ý mình. Đây cũng là một trong những điều gây ra rất nhiều đau khổ. Chúng ta luôn muốn vui, luôn muốn hay, luôn muốn cảm giác thăng hoa kéo dài mãi mãi. Chúng ta muốn trạng thái thượng phong của ta không bao giờ mất để ta luôn hơn người khác, để ta luôn ở mãi cái đỉnh cao địa vị cuộc đời. Nắm bắt được lòng tham bất tận như thế, xã hội sản sinh rất nhiều kẻ dạy người ta cách “luôn tích cực”, “luôn vui vẻ”, “luôn hạnh phúc”. Nhưng điều đó là không thể, vì ở đời không cái gì mãi mãi, và không trạng thái nào ở mãi một điểm. Ta cần chấp nhận mọi thứ xảy ra như nó sẽ xảy ra, cuộc sống này sẽ diễn ra mặc kệ mọi người có vui hay buồn, đau khổ hay hạnh phúc, sống hay chết.

Chương 5:

Thiên địa bất nhân,

Dĩ vạn vật vi sô cẩu.

Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm.

Tiếp đến ở chương 29:

Tương dục thủ thiên hạ nhi vi chi,

Ngô kiến kỳ bất đắc dĩ,

Thiên hạ thần khí bất khả vi dã.

Bất khả chấp dã,

Vi giả bại chi,

Chấp giả thất chi.

Muốn lấy thiên hạ mà làm theo ý mình,

Ta thấy không thể được rồi.

Thiên hạ là món đồ thần diệu,

Chẳng thể làm theo ý mình được đâu.

Hễ làm thì hỏng,

Hễ giữ thì mất.

Không thể cố chấp theo ý mình, là một điều mà Đạo Đức Kinh luôn nhắc nhở chúng ta. Một cá nhân không thể tạo nên thế giới này, cả loại người cũng chỉ tạo ra một phần của thế giới này. Loài người được tạo ra từ Tự Nhiên, chứ Loài người không tạo ra Tự Nhiên, chính vì thế mà dù con người ta mong muốn như thế nào cũng không quan trọng, thế giới xung quanh vẫn sẽ xoay vần, không cần quan tâm đến ý nghĩ của ai hết.

Triết lý vô vi từ “Đạo Đức Kinh” khuyên sống theo dòng chảy tự nhiên và không cố gắng ép buộc mọi thứ theo ý muốn của mình. Tôi đã từng rất đau khổ vì cuộc tình đổ vỡ, chính bản thân tôi đã dằn vặt khi nghĩ rằng “Tại sao một người như mình, không làm việc xấu xa, nhưng vẫn gặp phải hoàn cảnh éo le này”. Rồi tôi chợt nhận ra, tất cả chỉ là sự ích kỷ của bản thân mình, chỉ có tôi là mong muốn như thế, còn họ đã chọn con đường khác. Không có đúng có sai ở câu chuyện này, mà là hãy chấp nhận, buông bỏ, và giải thoát cho cả hai. Đến cuối cùng khi nhìn lại, tôi thấy yên bình, nở nụ cười nhẹ nhàng, và thấy tình yêu đẹp đẽ hơn bao giờ hết.

Tư Duy Cởi Mở Và Sáng Tạo

Từ ngày bé, đến khi lớn, chúng ta luôn được gia đình, nhà trường, xã hội dạy rất nhiều những thứ, và phải phân biệt rõ Đúng – Sai, Phải – Trái, Thiện – Ác, Giàu – Nghèo, Vinh – Nhục, Được – Mất, Vui – Buồn. Tư duy nhị nguyên đã cắm rễ trong đầu như thứ bệnh nan y, ngăn cản tư duy bay bổng và sáng tạo. Con người chỉ coi trọng những thứ có lợi cho con người, còn những thứ có hại đều bị ghê tởm và tìm cách loại bỏ. Nhưng họ đâu biết tất cả những trạng thái tưởng chừng đối nghịch trên vốn không hề tách rời nhau, mà chúng hòa quyện, nhảy múa bên nhau tạo ra thế giới này. Thử tưởng tượng nếu một ngày người ta không cảm nhận được nỗi buồn, thì niềm vui có còn nữa không. Rồi Được – Mất cũng là Được cái này, Mất cái khác, không bao giờ chỉ có toàn Được, hay toàn Mất. 

Chương 2:

Thiên hạ

Giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ;

Giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ.

Thiên hạ này

Biết cái Đẹp là Đẹp, mà từ đó có cái Xấu,

Biết cái Thiện là Thiện, mà từ đó có cái Bất Thiện.

Thiện – Ác, Tốt – Xấu, Đúng – Sai là cái mà Người đặt ra, chứ không phải do Trời, áp thứ logic của Người và Trời, nghe thôi đã thấy không ổn rồi. Cuộc sống này có những thứ xảy ra vượt ngoài những logic thông thường của con người. Nếu muốn tiến xa cần mở rộng tâm trí, mở rộng những hạn hẹp trong tư duy, những thứ vững chắc như những bức tường thành kiên cố. Điều tôi nói ra không phải để làm bằng những giá trị, Thiện cũng được – Ác cũng xong, Đúng thì tốt – Sai không sao cả. Cái mà tôi nói đến là bỏ đi sự thái quá. Thêm nữa là không được dừng lại với những giá trị hiện tại, luôn luôn tìm tòi, phát triển, để đạt được những thứ tuyệt vời hơn.

Đọc “Đạo Đức Kinh” giúp tôi mở rộng tầm nhìn và tư duy sáng tạo hơn. Các nguyên tắc và lời khuyên của Lão Tử khuyến khích suy nghĩ ngoài khuôn khổ và nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.

Hiểu Rõ Hơn Những Tác Phẩm Kinh Điển

Cái này thì khỏi phải nói đi, rất nhiều những lời dạy trong Đạo Đức Kinh là tổng hợp của trí tuệ người xưa. Binh pháp Tôn Tử, Tam thập lục kế, đó là những cuốn sách tôi đọc rất sớm khi mới 16 – 17 tuổi, nhưng đọc xong chả hiểu mấy, rồi gấp sách để đấy. Rồi đến Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Sử ký Tư Mã Thiên…nhiều diễn biến trong sách tôi cũng chả hiểu tại sao lại như vậy. Nhưng Đạo Đức Kinh đã giúp tôi hiểu “hơn” chứ chưa phải hiểu “hết”, vì tôi không phải người thời đó, nếu bảo hiểu hết được thì quá kiêu ngạo, quá chủ quan, và không thực tế. Tôi nhớ 1 câu chuyện kể về cuộc chiến giữa Tề và Lỗ trong Đông Chu Liệt Quốc như sau (xin phép được kể theo ngôn ngữ của chính mình):

Khi Tề Hoàn Công lên ngôi, ông đã phong Quản Trọng làm Tướng quốc, lo việc triều chính. Năm 684 TCN, Tề Hoàn Công cử Bão Thúc Nha mang quân đến Trường Thược đánh nước Lỗ. Lỗ Trang Công nghe tin, liền hỏi ý Thi Bá, người đã tiến cử Tào Quế. Thi Bá đến gặp Tào Quế và rủ ông đến yết kiến Lỗ Trang Công. Khi được hỏi về cách đối địch, Tào Quế khuyên rằng việc binh là phải tùy tình hình mà ứng biến.

Bào Thúc Nha, tự tin vì từng chiến thắng trước quân Lỗ, ra lệnh tấn công ngay khi quân Lỗ vừa dựng trại. Quân Lỗ kiên cố thủ theo lời khuyên của Tào Quế. Quân Tề đánh trống tiến quân ba lần, nhưng đều bị quân Lỗ giữ vững. Khi khí thế quân Tề đã kiệt, Tào Quế xin Lỗ Trang Công ra lệnh phản công. Quân Lỗ ào ra tấn công, đánh bại quân Tề hoàn toàn.

Khi trở về, Lỗ Trang Công hỏi Tào Quế về chiến thuật. Tào Quế giải thích rằng đánh địch là nhờ có khí. Hồi trống thứ nhất quân Tề đang thịnh, trống thứ hai khí quân Tề suy, và trống thứ ba khí quân Tề kiệt. Trong khi quân Lỗ mới đánh một hồi trống, khí đang thịnh, lấy thịnh chế kiệt lý gì lại không thắng.

Câu chuyện trên có lẽ nó không phải mô tả toàn bộ, việc thắng trận không thể chỉ thông qua một mưu kế, mà nó còn dựa rất nhiều vào sự chuẩn bị của toàn quân. Tuy nhiên ở đây, tôi chỉ muốn nói đến cách mà Tào Quế lựa chọn thời cơ hợp lý, nhờ đó mang đến lợi thế cho quân Lỗ. Chỉ là nguyên tắc mạnh đánh yếu, nhàn chống mỏi, ai đọc Tam Thập Lục Kế đều biết “Dĩ dật đãi lao”. Nhưng cái hay là ở chỗ hiểu mình hiểu người, lựa chọn thời điểm thích hợp đây mới là cái khó.

Chương 22:

Khúc tắc toàn,

Uổng tắc trực,

Oa tắc doanh,

Tệ tắc tân,

Thiểu tắc đắc,

Đa tắc hoặc.

Khuyết rồi sẽ toàn vẹn,

Cong rồi sẽ thẳng

Vơi rồi sẽ đầy,

Cũ ắt sẽ mới,

Ít ắt được thêm,

Nhiều ắt hóa mê.

Câu chuyện “Mượn đường diệt Quắc” của Tấn Hiến Công. 

Tấn Hiến Công muốn mở rộng lãnh thổ của mình bằng cách diệt nước Quắc. Tuy nhiên, để đến được nước Quắc, quân Tấn phải đi qua nước Ngu. Hiến Công biết rằng Ngu Công, vua nước Ngu, sẽ không dễ dàng cho quân Tấn đi qua nếu không có một kế hoạch khéo léo.

Hiến Công quyết định gửi sứ giả đến nước Ngu để đề nghị mượn đường. Ông ta đã chuẩn bị một số lượng lớn vàng bạc, châu báu và những con ngựa quý. Sứ giả của Hiến Công mang theo những món quà này và đến gặp Ngu Công. Họ trình bày rằng Hiến Công rất tôn trọng Ngu Công và mong muốn xây dựng một mối quan hệ thân thiết giữa hai nước. Họ giải thích rằng quân Tấn chỉ muốn mượn đường đi qua nước Ngu để tấn công nước Quắc và cam kết sẽ không xâm phạm lãnh thổ của nước Ngu. Để thể hiện sự chân thành, sứ giả của Tấn Hiến Công dâng lên Ngu Công những món quà quý giá.

Ngu Công, bị cám dỗ bởi vàng bạc, châu báu và ngựa quý, cùng với lời hứa hẹn về tình hữu nghị và sự cảm kích từ Hiến Công, đã đồng ý cho quân Tấn đi qua lãnh thổ nước mình. Ông không ngờ rằng đây chính là một cái bẫy.

Sau khi quân Tấn diệt được nước Quắc, trên đường quay trở về, Tấn Hiến Công bội ước, ra lệnh tấn công nước Ngu. Quân Ngu không kịp phòng bị nên nhanh chóng bị đánh bại. Tất cả những vàng bạc châu báu, ngựa quý mà trước đây tặng Ngu Công, Tấn Hiến Công đã thu hồi trở lại.

Chương 36:

Tương dục nhược chi – Tất cố cường chi.

Tương dục phế chi – Tất cố hưng chi.

Tương dục đoạt chi – Tất cố dữ chi.

Muốn làm yếu đi – Hãy giúp mạnh lên

Muốn phế bỏ – Hãy đưa lên vị trí cao

Muốn lấy cái gì – Trước hết hãy cho đi đã

“Mượn đường diệt Quắc” hay rất nhiều mưu kế khác, đều có nguyên lý tương tự như lời Lão Tử Đạo Đức Kinh chương 36. Rất nhiều người cho rằng Lão Tử sao lại viết ra điều thâm độc như thế này. Ở đây tôi sẽ không phân tích về điều đó, mà chỉ lấy ví dụ cho mọi người biết, những blog sau tôi sẽ có bài dành riêng cho vấn đề này.

3. Những Hạn Chế Khi Đọc Đạo Đức Kinh

Ngôn Ngữ Cô Đọng, Chung Chung, Khó Hiểu

Lời dạy trong sách rất ngắn gọn và súc tích, điều này khiến ý nghĩa không rõ ràng và có thể khó hiểu với nhiều người. Cần có sự giải thích và chú giải từ các chuyên gia để hiểu rõ hơn. Như ở phần trên tôi có trích dẫn câu “Tri túc bất nhục” – Biết đủ thì không nhục, một lời dạy rất hay tuy nhiên nó cũng chung chung. Như thế nào là “đủ”, Lão Tử không hề nói. Thực tế biết “đủ” không hề dễ, và cái “đủ” của mỗi người nó cũng khác nhau.

Chương 27 là một trong những chương tôi rất thích:

Thiện hành vô triệt tích

Thiện ngôn vô hà trích

Thiện số bất dụng trù sách

Thiện bế vô quan kiện nhi bất khả khai

Thiện kết vô thằng ước nhi bất khả giải.

Khéo đi, không để dấu chân

Khéo nói, không có lỗi lầm

Khéo tính, không dùng bàn tính

Khéo đóng, không cần khóa mà không mở được

Khéo buộc, không cần buộc mà không tháo được.

Đây là những câu rất hay, sở trường của Lão Tử chuyên dùng những cái đối lập để làm nổi bật tư tưởng của mình. Nhưng làm sao đi mà không để lại dấu chân, làm sao nói mà chắc chắn không lỗi lầm. Lão Tử cũng không có chỉ cho ta biết. Ông chỉ đưa ra và phần còn lại là của chúng ta. 

Nếu ai đó nói Lão Tử chỉ có lý thuyết suông, tôi cũng không phản. Tuy nhiên tôi cũng muốn gỡ gạc lại cho Đạo Đức Kinh một chút. Lão Tử và các Đạo gia khác với Khổng Tử và Nho gia. Khổng Tử nỗ lực một đời thay đổi thế giới, ông muốn dạy dân sống tốt hơn với Nhân, Nghĩa, Lễ, tuy nhiên sợ người dân không hiểu, không biết cách làm, vì thế Khổng Tử và sau này các bậc đại Nho đã tạo ra những khuôn mẫu cụ thể để người ta làm theo. Tuy nhiên cái dở của khuôn mẫu ở chỗ là khi con người áp dụng không linh hoạt, rập khuôn thì nó lại trở thành những bất tiện cho đời sống. Thậm chí khi áp dụng thái quá các khuôn mẫu, chính chúng ta sẽ cảm thấy đau khổ, khi bản thân không hề phù hợp với khuôn mẫu đó. Lão Tử và các Đạo gia không hề thích các khuôn mẫu, không hề muốn mọi người sống theo những khuôn mẫu định sẵn. Chủ chương của Đạo gia là thuận theo tự nhiên, theo thiên tính, mong muốn mọi người tự tìm ra con đường của chính mình, từ đó giác ngộ, đạt Đạo.

Thời Gian Và Ngữ Cảnh

“Đạo Đức Kinh” được viết cách đây hơn 2000 năm, nên một số chương sẽ không còn phù hợp với thời đại ngày nay. Những giá trị và quan điểm của thời kỳ đó cần được hiểu và áp dụng một cách linh hoạt trong bối cảnh hiện đại. Chẳng nói gì đến Lão Tử Đạo Đức Kinh, mà gần như tất cả các sách khác, khi mà ta áp dụng chúng, đều cần sự linh hoạt. Không thể nào bê nguyên những kiến thức trong sách rồi áp dụng máy móc trong đời sống, thậm chí còn bị phản tác dụng. Không nên bó buộc vào câu chữ, hãy dùng trực giác, kinh nghiệm để phán đoán, đồng thời việc lựa chọn thời điểm rất quan trọng, dù bạn có thực hiện theo công thức, nhưng sai thời điểm, tất cả cũng đổ sông đổ biển hết.

Một kinh nghiệm của bản thân tôi để áp dụng hiệu quả những kiến thức trong sách vào đời thực. Đó là luôn “quan sát” cuộc sống xung quanh, tìm cách liên kết các kiến thức với nhau, và các kiến thức với “thực tại” cuộc sống của bạn. Tiếp theo là áp dụng nhỏ, tức là hãy áp dụng vào những việc nhỏ trước, sau đó mình sẽ cải tiến dần dần sau những lần sử dụng. Người giỏi 1 lần làm được ngay, người không giỏi thì mất 10 lần hoặc hơn. 

Đòi Hỏi Sự Kiên Nhẫn

Việc đọc và hiểu “Đạo Đức Kinh” đòi hỏi sự kiên nhẫn và tâm thế mở rộng. Không phải ai cũng có thể dễ dàng tiếp nhận và áp dụng các nguyên tắc triết lý này vào cuộc sống. Những tư tưởng trong Đạo Đức Kinh thâm viễn vô cùng, không thể ngày một ngày hai là hiểu được. Lần đầu tôi đọc Đạo Đức Kinh là năm 22 tuổi, cứ mỗi năm đọc lại tôi đều có những cảm nhận khác nhau, không lần nào giống lần nào.

Cần Đọc Sách Với Tâm Thế Nào

Đừng Chấp Nhất Vào Câu Chữ

Không nên đọc sách mà chấp nhất vào từng câu chữ. Bạn có thể đọc bản tiếng Anh hoặc tiếng Việt mà vẫn giữ được tinh thần của tác phẩm. Điều quan trọng là hiểu được ý nghĩa sâu xa và ứng dụng vào cuộc sống.

Tư Duy Cởi Mở

Đọc sách với một tâm thế cởi mở, không vội vàng áp đặt những tư tưởng của trường phái khác vào “Đạo Đức Kinh”. Hãy đọc Đạo Đức Kinh với tâm thế thoải mái, đừng áp lực phải có ngay kết quả.

Tìm Hiểu Qua Các Chú Giải

Nên đọc các bản chú giải từ những học giả uy tín để hiểu rõ hơn về ngữ cảnh và ý nghĩa của các lời dạy trong “Đạo Đức Kinh”. Điều này sẽ giúp bạn tiếp cận tác phẩm một cách sâu sắc hơn.

4. Cuốn Sách Này Phù Hợp Với Những Ai

Người Thích Sự Thâm Thúy

Cuốn sách này phù hợp với những người thích sự thâm thúy, sâu xa và mong muốn hiểu hơn về chính mình và cuộc đời.

Người Yêu Tác Phẩm Kinh Điển

Nếu bạn thích các tác phẩm kinh điển của Trung Hoa, đặc biệt về khía cạnh lịch sử hoặc binh pháp, bạn có thể hợp với “Đạo Đức Kinh”.

Người Tìm Kiếm Sự Hài Hòa, Cân Bằng

Cuốn sách này cũng phù hợp với những ai đang tìm kiếm lối sống hài hòa, cân bằng và yên bình. Các nguyên tắc của Lão Tử sẽ giúp bạn tìm thấy sự bình yên và hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày.

Người Tìm Kiếm Sự Sáng Tạo

Những ai muốn mở rộng tầm nhìn và tư duy sáng tạo cũng sẽ tìm thấy nhiều giá trị từ “Đạo Đức Kinh”. Các lời khuyên và triết lý của Lão Tử khuyến khích suy nghĩ ngoài khuôn khổ và tìm kiếm những giải pháp mới.

5. Kết Luận

Đạo Đức Kinh của Lão Tử không chỉ là một tác phẩm triết học mà còn là một nguồn cảm hứng và chỉ dẫn cho cuộc sống hiện đại. Những giá trị mà tôi nhận được từ cuốn sách này đã giúp tôi sống hài hòa hơn, giảm bớt căng thẳng và tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống. Mặc dù có những hạn chế về ngôn ngữ và ngữ cảnh, nhưng với một tâm thế cởi mở, bạn sẽ thấy Đạo Đức Kinh mang lại nhiều bài học quý giá và sâu sắc. Nếu bạn đang tìm kiếm sự thâm thúy và mong muốn hiểu rõ hơn về cuộc đời, hãy dành thời gian để khám phá Đạo Đức Kinh. Chắc chắn thời gian tới tôi sẽ cho ra những bài với phương pháp áp dụng các bài học Đạo Đức Kinh vào cuộc sống thực tế.

Scroll to Top